Thực tập bốn thoả ước để giải phóng bản thân của Don Miguel Ruiz

Thực tập bốn thoả ước để giải phóng bản thân của Don Miguel Ruiz

Tôi yêu thích và hướng đến sự tự do trong cuộc sống. Thế nên bất cứ khái niệm nào có chứa đựng từ “giải phóng”, “khai phóng”, “tự do” thì dễ khiến tôi chú ý. Cuốn sách của Don Miguel Ruiz là một cuốn sách như vậy, với tựa đề

“Bốn thoả ước để giải phóng bản thân”

Tôi đọc cuốn sách cách đây vài năm, khi được một người bạn giới thiệu trên Facebook. Cuộc sống bận rộn hơn đồng nghĩa với việc chọn sách để đọc, cách đọc sách và phải áp dụng ngay các điều học. Dưới đây, Natalie Vo tóm gọn nội dung cuốn sách, vài điều đúc kết chia sẻ cùng bạn. Bài viết có sự xen kẽ vài chiêm nghiệm của tôi trong quá trình hướng đến khai phóng tinh thần và tự do cá nhân.

Nhưng đầu tiên, tôi xin phép bạn cho tôi giới thiệu đôi chút về tác giả của cuốn sách. Don Miguel Ruiz là nhà văn Mexico, hậu duệ của Toltec nổi danh. Ông là người đứng giữa những vẻ đẹp của nhiều nền văn minh tinh thần khác nhau.

Toltec là dòng dõi gì và nền văn minh gì thì thú thực tôi cũng chưa tìm hiểu. Nếu bạn có tìm hiểu rồi thì giúp tôi chia sẻ bằng cách để lại bình luận bên dưới để trí tuệ được lan toả nhé.

Cuốn sách Bốn thoả ước là những cô đọng, chứng nghiệm của ông về tồn tại và hạnh phúc. Trong cuốn sách cũng là những dẫn giải và thực hành cơ bản, khá hữu ích nếu được rèn luyện đúng cách. Bốn thỏa ước được tóm tắt ngắn gọn như sau:

Thoả ước thứ nhất: “Không phạm tội với lời nói của bạn”

Được hiểu là không dễ dãi, máy móc lặp lại những quan niệm và thành kiến của mọi người xung quanh. Khi nhìn nhận một vấn đề hay con người nào đó, hoặc khi đánh giá chính mình.

Không phạm tội với lời nói của bạn khi hướng về người khác

Để thực hành thoả ước không phạm tội với lời này thì mình phải như thế nào nhỉ? Mình NÓI KHÔNG VỚI KHẨU NGHIỆP ha. Nghe quen quá phải không? Không a dua, hùa theo, gieo rắc suy nghĩ phiến diện về người khác hay sự vụ. Ví dụ như thế này cho dễ hiểu. Khi thông tin về một người A chưa được kiểm chứng, mà mình nói xấu họ hoặc mình hùa theo ném đá họ thì là mình phạm tội với lời. Điều này hay xảy ra vì tâm lý đám đông

Con người là cá nhân xã hội nên có nhu cầu cảm thấy mình “thuộc về”, hoà nhập với cộng đồng. Trong một hội nhóm, khi thiếu thông tin tích cực để chia sẻ thì dễ xảy ra hiện tượng “miệng nhanh hơn não”. Điều này dẫn đến việc dễ đàn đúm nói xấu chỉ trích người khác. Để thực tập thoả ước không phạm tội với lời này thì mình cần lựa chọn hội nhóm có lối sống và suy nghĩ tích cực. Tuyệt đối không “ngồi lê đôi mách”, nói lời tiêu cực về người khác để cảm thấy mình tốt đẹp hơn họ. Nói xấu người khác thì không có gì tốt đẹp. Người rãnh rỗi ngồi lê đôi mách, hóng hớt, dìm người khác càng ngày càng thiếu tự tin và mất đi sự tự trọng cho chính mình.

Trong việc ứng xử với trẻ nhỏ, người lớn cần tránh việc gieo rắc suy nghĩ tiêu cực, làm thui chột sự tự tin ở trẻ. Tuyệt đối tránh việc so sánh trẻ này với trẻ khác. Tránh các câu đại loại như “Điểm con kém quá”, “Con xấu quá”, “Con nhà người ta thì a.b.c.d…”. Người lớn rất hay vô tình phạm tội với lời như vậy. Kết quả là đứa trẻ lớn lên với hành trang của sự tự ti, niềm tin giới hạn. Trẻ không dám thử điều mới, làm gì cũng rụt rè, thiếu chính kiến.

Không phạm tội với lời nói của bạn khi hướng về chính mình

Một khía cạnh khác của thoả ước không phạm tội với lời tôi thấy hay, khó thực hành hơn đó là ứng xử với chính bản thân mình. Cụ thể, không dùng lời tiêu cực, thiên kiến để nói với chính mình. Cái giọng nói nhỏ thì thầm này “Mày không làm được đâu”, “Mày nghĩ mày là ai? Mày có đang ảo tưởng sức mạnh không?”, “Tao nghĩ mày nên bỏ cuộc là vừa”, bạn nghe quen không? Tôi gọi đó là đối thoại nội tâm một cách tiêu cực. Khẩu nghiệp với người ngoài thì dễ nhận biết quá phải không? Nhưng khẩu nghiệp với chính mình thì sẽ không có kẻ thứ ba góp ý, kiểu như “Ê tao thấy mày khẩu nghiệp đó nha. Bớt đi” mà chính mình phải tự nhận biết và thực hành thoả ước này.

Lời lẽ nói ra nên là lời công tâm, yêu thương, đầy khích lệ với người khác. Với chính mình cũng dùng lời lẽ từ bi, nâng đỡ để trò chuyện là thực hiện thoả ước đầu tiên để khai phóng bản thân và gặt hái tự do tinh thần. Và luôn nhớ nhé. Đừng phạm tội với lời, khi đối thoại nội tâm.

Thực tập thoả ước không phạm tội với lời này là bước đệm hướng đến sự hoàn thiện cá nhân. Vì khi không phạm tội với người, ta tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình. Thật tuyệt vời phải không!

Thoả ước thứ hai: “Không vơ mọi chuyện vào mình”

Nói khác đi là không ngộ nhận. Những người bên ngoài bạn chỉ có khả năng tư duy, khát vọng, quan tâm và thực hiện những điều thuộc về. Họ chỉ thoả mãn tư duy, khát vọng, quan tâm, hành động của bản thân họ mà thôi. Không có sự đánh giá nào từ bên ngoài lại thực sự phù hợp với bạn và có thể tác động lên chính cuộc sống của bạn.

Tiếng Anh của thoả ước này là “Don’t take it personally”, đừng vơ lấy buồn phiền vào người. Tôi rất xúc động khi đọc được những dòng chữ này. Vì thoả ước này theo tôi là khó nhất, đặc biệt là phụ nữ.

Đừng chuốc sự buồn phiền vào người

Khi công ty sa thải mình, khi người yêu nói lời chia tay, khi một người lạ bỗng dưng cau có với mình, khi đi tư vấn bán hàng nhận được sự từ chối từ khách hàng, từ đối tác,… Bạn có buồn không? Rất khó để nói không buồn phải không?

Bạn để ý nhé. “Mình bị sa thải” hay “Công ty sa thải mình”? “Người yêu nói lời chia tay” hay “Tôi bị bồ đá”? “Khách hàng từ chối mua sản phẩm của tôi” hay “Tôi xấu hổ vì bị khách hàng từ chối”? Cùng một vấn đề, nhưng cách não bộ và cảm xúc diễn giải rất khác nhau. Một bên là cách nhìn nhận sự việc theo đúng bản chất vấn đề. Một bên lý giải sự việc từ nguyên nhân bản thân kém cỏi, không đủ tốt dễ gây buồn phiền cho chính mình.

Khi vơ mọi chuyện vào mình, tôi và bạn cảm thấy buồn phiền vì nghĩ mọi việc xuất phát từ bản thân. Nhưng bạn tôi ơi! Không có sự vụ nào, hành động, quyết định nào của người khác là vì bạn cả. Mọi thứ xuất phát từ ý nghĩ, mong muốn của bản thân họ thôi. Chỉ có bản thân họ là quan trọng nhất thôi nên bạn đừng “vơ mọi chuyện vào mình” rồi buồn phiền.

Nhìn nhận sự việc như nó vốn có chứ không diễn giải tiêu cực

Công ty tái cấu trúc nhân sự nên sẽ có đợt sa thải nhân sự, họ vì công ty chứ không phải vì bạn. Bạn sẽ phù hợp với một môi trường mới hơn. Anh người yêu chấm dứt mối quan hệ vì anh ấy thấy có sự không tương hợp, là vì anh ấy. Còn bạn sẽ có người đồng hành tuyệt vời hơn sớm gặp và nắm tay bạn thôi. Ai đó ngày hôm nay cau có, mặt mày nhặng xị với bạn, bạn “đừng vơ mọi chuyện vào mình”. Phần nhiều vì anh ấy đang có một ngày tồi tệ nên thể hiện ra bên ngoài chứ không phải vì bạn đâu.

Khó phải không? Vì thoả ước này khó thế nên mới cần sự thực tập hàng ngày. Tôi cũng đang thực hiện. Hãy quen với sự cau có, sự từ chối, quen với việc mọi thứ diễn ra không như điều ta muốn. Thực tập thoả ước này để không bị tác động bởi ngoại cảnh.

Ngày hôm nay ra đường gặp một người cau có, hãy thử tự nói với bản thân “Anh ấy chắc hẳn tối qua đã cãi nhau với vợ, hoặc con anh ấy đang ốm”. Ngày hôm nay nếu sếp khó tính, hãy thử diễn giải rằng “Cô ấy chắc hẳn đang áp lực với doanh số công ty lắm”. Ngày hôm nay khi đi bán hàng nhận được sự từ chối, hãy tự khích lệ bản thân rằng “Người thứ 100 sẽ là khách hàng của mình”.

Trong bất cứ mọi sự, hãy thực hiện thoả ước “đừng vơ mọi sự vào mình” để cảm thấy vững chãi, nhẹ nhàng và bình an hơn trong cuộc sống bạn nhé!

Thoả ước thứ ba: “Không giả định, phỏng đoán”

Vì giả định, phỏng đoán thực chất cũng chỉ là lặp lại những thiên kiến, thành kiến sẵn có về sự vật. Nếu như thành kiến về vấn đề có sự sai lệch, phiến diện thì việc giả định, phỏng đoán không thể cho tôi và bạn có cái nhìn đúng đắn về sự việc. Mọi thứ bị bóp méo qua lăng kính của sự phỏng đoán. Điều này rất có hại.

Để thực tập thoả ước không giả định, phỏng đoán này thì tôi và bạn cần:

Khoan đánh giá vấn đề khi thiếu thông tin

Đầu tiên, khi thông tin chưa minh bạch, rõ ràng thì hãy khoan đánh giá, nhìn nhận. Trong một bài viết tôi chia sẻ về một triết lý sống tôi thực hành về sự tự biết mình, biết rằng có một điều rất chắc chắn là tôi không biết gì cả. Với việc không liên quan đến mình, tốt nhất là không cần biết. Bạn lặp lại theo tôi nhé. Với việc không liên quan đến mình, tốt nhất là không cần biết. Tôi không tìm thấy lý do cho thói quen tò mò này. Có hại hơn là lợi.

Đặt câu hỏi, bày tỏ mong muốn bản thân

Sau đó, nếu sự việc liên can đến mình thì can đảm đặt câu hỏi về những gì chưa được biết rõ và hãy bày tỏ điều bạn muốn. Ban đầu thực tập việc đặt câu hỏi và nói ra điều mình có khúc mắc, giãi bày với tôi là điều khó. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Ai cũng có thời từ vụng dại, ngây thơ rồi mới trưởng thành phải không? Khi chịu khó đặt câu hỏi, thường nói lên suy nghĩ, chính kiến của mình, kết quả nhận được sẽ rất bất ngờ đó. Bạn sẽ “À”, “Ồ”, đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi biết được đâu là thực chất của vấn đề.

Thoả ước không giả định, phỏng đoán tránh được hiểu lầm không mong muốn

Được nuôi dạy và lớn trên trong truyền thống Á Đông ít cởi mở, ít khuyến khích sự thể hiện bản thân và nói lên chính kiến của mình, tuổi trẻ của tôi cũng nhiều lần khổ vì những giả định, phóng đoán của người khác. Rồi chính mình cũng giả định tự làm khổ mình luôn. Những câu như “Đáng ra em phải thế này… Điều đó không cần phải nói ra, em phải tự biết”. Giữa cha mẹ với con cái, giữa lãnh đạo và đồng đội là sự thiên lệch về thế hệ, tuổi tác, tầm hiểu biết. Có biết bao nhiêu rào cản và sự khác biệt như vậy, làm sao tôi nói một mà mong người khác hiểu mười? Đừng kì vọng điều phi thực tế như vậy rồi trách cứ người khác khi không hiểu mình, không đáp ứng được mong ước của mình.

Tôi làm trong ngành dịch vụ lữ hành, khách hàng của chúng tôi đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Khẩu vị ăn uống khác nhau. Qua kinh nghiệm của mình thì tôi hiểu rằng người Châu Á hay dị ứng thức ăn hơn người phương Tây. Người đạo Hồi, đạo Do Thái thì ăn uống nghiêm ngặt.

Khi nhận được thông tin về một khách hàng “dị ứng với bột mì, không ăn được thịt, ăn chay” thì chúng tôi sẽ hỏi cặn kẽ lại để có thông tin chính xác và chi tiết nhất có thể. “Dị ứng với bột mì ở cấp độ nào, tức nếu ăn bột mì thì sẽ dễ nổi mề đay, sình bụng khó tiêu chứ không nguy hiểm đến tính mạng. Có thể ăn bột mì được nhưng chỉ một ít thôi, khi lượng bột mì nhiều hơn n % thì hiện tượng khó tiêu xảy ra. Không ăn thịt nhưng chỉ không ăn thịt heo, thịt của động vật có móng vuốt và ăn tạp. Còn động vật nhai lại như bò thì có thể ăn. Ăn được thịt bò, hải sản như cá, mực, bạch tuột cũng ăn được. Ăn chay nhưng có thể ăn được trứng. Tuy nhiên, không ăn được ốp la có lòng đỏ chưa chín vì khách hàng sợ nhìn thấy lòng đỏ sống”. Càng chi tiết, càng rõ ràng thì càng tốt. Khách hàng nhận được sự phục vụ tỉ mỉ, mức độ hài lòng tăng cao. Muốn làm ai đó hạnh phúc, thì càng biết chi tiết về mong muốn của họ càng tốt. Một là để đáp ứng, hai là tránh hiểu lầm không mong muốn.

Việc giả định, phỏng đoán, kì vọng thiếu thực tế sẽ là mầm mống cho sự bất hoà giữa người với người. Có hại quá phải không? Vậy nên bạn và tôi hãy cùng thực tập thoả ước không giả định, phỏng đoán từ hôm nay bạn nhé!

Không giả định, phỏng đoán với người thân yêu nhất

Cuối cùng, cần thông tin cho người khác minh bạch, rõ ràng để loại bỏ những cơ hội bị hiểu lầm, cường điệu. Hãy chia sẻ, bày tỏ điều bạn mong muốn cho đối phương biết. Với vợ chồng, cha mẹ, người càng thân thiết gần gũi có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống và cảm giác hạnh phúc của mình thì thoả ước không giả định, phỏng đoán càng cần thực tập. Biết chắc điều mình cần, hiểu rõ điều người thân cần và thông tin trao đổi với nhau là cách xây dựng nền tảng hạnh phúc gia đình. Càng thân thiết thì đối phương càng có quyền được biết suy nghĩ và mong muốn từ bạn. Hãy mạnh dạn bày tỏ bạn nhé!

Thoả ước thứ tư: “Hãy làm hết khả năng của mình”

Thoả ước cuối cùng về lao động cống hiến là thoả hiệp tôi rất yêu thích. Là nguyên lý thực hành căn bản để khai phóng “cái tôi” mà bạn vừa giác ngộ sau ba thoả ước khởi đầu, một cách mạnh mẽ nhất. Người thực hiện thoả hiệp này gặt hái được sự tự tin, tự trọng, cơ hội thăng tiến cao. Họ dễ dàng biến điều mong ước thành hiện thực đồng thời khai phóng bản thân, sống đời viên mãn.

Làm dưới khả năng của mình thì phí phạm tiềm năng bản thân, lãng phí nguồn lực. Làm quá sức của mình thì dễ dẫn đến kiệt sức, mệt mỏi. Chỉ có làm hết khả năng của mình thì kết quả gặt hái tốt. Tôi nhiều lần mắc lỗi làm quá sức của mình làm sức khoẻ bị ảnh hưởng. Thoả ước này khó thực hiện, vì tôi hay chọn điều khó để thử thách bản thân.

Làm hết khả năng cũng đồng nghĩa với làm mọi việc bằng sự chú tâm, bằng tình yêu. Không phải để đối phó, bị bắt buộc hoặc dùng để trao đổi lấy điều gì đó. Tư duy làm cho xong việc, làm để đối phó rất nguy hiểm cho sự phát triển cá nhân. Thiếu đi tình yêu công việc và sự chú tâm, công việc được hoàn thành một cách hời hợt, các tiêu chuẩn bị hạ thấp. Người thực hiện công việc đồng thời qua lao động cũng không giải phóng được hết tiềm năng của mình. Từ đó cái tôi và tiềm năng cá nhân cũng không được khai phá.

Trên là những chia sẻ của tôi về cuốn sách bốn thoả ước để giải phóng bản thân của Don Miguel Ruiz. Bạn thấy thế nào? Với tôi thì những thoả ước trên nghe tưởng chừng đơn giản nhưng rất tuyệt vời. Bốn thoả ước là nền tảng để xây dựng một nhân cách tốt để vươn đến sự tự do tinh thần và khai phóng bản thân.

Bạn có chọn sống với bốn thoả ước để giải phóng bản thân này không?

Khởi đầu bằng một quyết định

Ngay từ hôm nay, hãy ngẫm nghĩ thật lâu về bốn thoả ước này. Rồi quyết định có sống với các thoả ước này hay không. Tôi đã sống với bốn thoả ước này trong vài năm gần đây và nhận ra có lúc tôi phạm lỗi với một hay vài thoả ước. Nhưng không sao cả. Việc cảm thấy tồi tệ mỗi khi tôi mắc lỗi và quay lại phán xét bản thân mình đồng nghĩa rằng phá vỡ thoả hiệp không phạm tội với lời vì đã phán xét bản thân. Thay vì vậy, tôi thường động viên mình, chọn tôn trọng thoả ước và làm đi làm lại vào thời khắc sau đó, vào ngày sau đó.

Khi chọn sống với các thoả ước, sẽ có những người tạo điều kiện cho ta phá vỡ nó, môi trường chỉ chừng như chờ chực để ta quay lại phản bội lời ước và quay trở về với địa ngục tinh thần. Mọi thứ ở thời điểm ban đầu rất khó khăn để ta thực hành các thoả ước. Thế nên tôi và bạn cần sức mạnh tinh thần và ý chí của những chiến binh.

Ngục tù của tinh thần là việc sống với định kiến, sự chỉ trích. Đó là sống vơ hết mọi chuyện vào mình, ai nói gì cũng buồn, ai làm gì cũng sầu. Đó là sống mà liên tục giả định, phỏng đoán và kì vọng vô căn cứ. Đó là sống thiếu cố gắng, làm việc gì cũng cầm chừng, cũng đối phó cho xong chuyện, thiếu tình yêu, nhiệt huyết trong công việc. Đó, bạn thấy không? Khi thoả ước bị phá vỡ, ta rơi vào hoả ngục tinh thần. Còn khi ra lời thề và thực tập sống với các thoả ước, một tính cách tốt sẽ được hình thành, dần dần ta có thêm sự tự tin, bồi đắp lòng tự trọng, sự tự do tinh thần ngày càng cao. Địa ngục tinh thần càng được đẩy lùi và ta càng gần hơn với thiên đàng của tự do và khai phóng.

Hãy thật kiên nhẫn bám víu vào các thoả ước

Thời điểm ban đầu sống với các thoả ước, ta sẽ như một đứa trẻ, sẽ sai phạm và mắc lỗi nhiều. Hãy kiên nhẫn, từ bi với chính bản thân mình và bắt đầu lại toàn bộ, vào thời khắc tiếp theo. Dần dà, ta sẽ nhận ra ta sống với các thoả hiệp nhiều hơn cho đến khi các thoả hiệp không phải là điều gì ghê gớm. Ta sống tự nhiên, hoà hợp với các thoả hiệp đến nỗi các thoả hiệp gần như là điều vô hình. Nó là cuộc sống của ta.

Đừng quá lo lắng về tương lai. Ngày hôm nay, hãy chọn sống với các thoả hiệp và thực tập từng ngày. Tôi chúc bạn có thêm lòng tin vào bản thân và cuộc sống. Nếu thấy bài viết hay bạn có thể để lại bên dưới một lời bình luận nhé!

Natalie Vo

Nơi đây tôi viết, chia sẻ trong mỗi lần "cầm mảnh gương soi vào tâm khảm... để thấy mình đẹp xấu, đục hay trong..."

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top