Định nghĩa của tôi về hai từ “buông bỏ”

Định nghĩa của tôi về hai từ “buông bỏ”

Tôi có thói quen đọc thơ thiền khi cảm thấy tâm dao động và cần bình an. Ngoài những tác giả vị sư, tác giả khuyết danh thì có một vị vua đã sáng tác rất nhiều bài thơ thiền. Vị vua đó là Trần Nhân Tông, người sau khi nhường ngôi đã xuất gia và sáng lập trường phái thiền Yên Tử.

Sáng dậy, mặt trời mọc phía đông.
Lát sau đã thấy đứng trên không.
Mà người như thể đang mê ngủ,
Chẳng hay vạn vật vẫn xoay vòng.
Hoa nở rồi tàn, hoa lại nở.
Sự đời suy thịnh, có mà không.
Sao chẳng tĩnh tâm ngồi suy nghĩ,
Tự mình gây khổ, cứ long đong?

~ Trần Nhân Tông

Đạo Phật đề cập nhiều đến việc “buông bỏ” để giảm phiền não, hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, bình an. Nói dễ, làm khó. Tôi cũng suy nghĩ, chiêm nghiệm nhiều và cũng tự đút kết, rèn luyện về thói quen buông bỏ.

Vậy “buông bỏ” là gì? Vì sao phải buông bỏ? Và buông bỏ những gì thì dưới đây là góc nhìn của Natalie Vo.

Đầu tiên, “buông bỏ” không phải là “từ bỏ” hay lười biếng

Một người có thể buông bỏ hết mọi thứ, từ sự nghiệp, công danh, gia đình để xuất gia ở một ngôi chùa hay thiền viện. Đó là cách làm của người xuất gia.

Một người trong đời sống xã hội, có công việc, có gia đình, có ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ thì xuất gia là điều không thể. Với nhóm người này, chọn đóng góp cho xã hội thông qua lao động cũng là một cách tu thân.

“Buông bỏ” không có nghĩa “từ bỏ”, không có lao động, không có đóng góp, dừng lại. Trái ngược lại, người biết buông bỏ vẫn sống và làm việc bình thường, thậm chí nhiệt huyết, tích cực và năng nổ. Lý giải cho sự lao động miệt mài này, người biết buông bỏ khi tâm thái nhẹ nhàng sẽ tập trung vào sự cho đi, thông qua lao động tạo ảnh hưởng tích cực lên xã hội.

Theo tôi, những người thành công là những người rất biết cách buông bỏ. Vì tuýp người với nhiều dính mắc, cuộc sống sẽ nặng nề, từ đó lao động thiếu hiệu quả, khó gặt hái thành công.

Sở hữu, dính mắc thì nặng nề, buông bỏ thì nhẹ nhàng

“Tâm bình, thế giới bình. Tâm an, vạn sự an.”
– Khuyết danh

Khi tâm không buông bỏ được, những cảm xúc tiêu cực cứ ở mãi trong lòng, có người tìm những thứ bên ngoài để giải quyết nỗi đau.

Đây là căn nguyên của các thói quen nghiện ngập. Rượu chè, cờ bạc, ma tuý, tình dục, v.v… có tác dụng xoa dịu nỗi đau tức thời và mang lại cảm giác mãn nguyện trong ngắn hạn. Tuy nhiên gốc rễ, căn nguyên của nỗi đau vẫn còn đó. Hết đổ lỗi cho bên ngoài, cho người khác rồi lại đổ lỗi cho hoàn cảnh. Khi con người không ý thức được cái gốc của nỗi đau và không nhận lấy trách nhiệm về mình thì cuộc sống sẽ càng nặng nề và bế tắc.

Cũng có khi chính vì không buông bỏ được mà ta “sát thương” người khác bằng vũ lực hay bạo hành lời nói. Chửi rủa, mạt sát người khác, đánh đập, tìm cách trả đũa hận thù.

Quá đặt nặng một thứ nào đó mà bị dính mắc, dẫn đến đau khổ tự thân, rồi làm khổ người khác, gây ảnh hưởng tiêu cực lên xã hội, vòng lặp của khổ đau này là bất tận.

Khổ đau không phải là thứ người khác mang đến để ta nhận. Khổ đau là do chính ta tự tạo nên cho mình. Hiểu được căn nguyên của khổ đau là do tâm mình ít buông bỏ và hoàn toàn, tuyệt đối nhận trách nhiệm kiến tạo hạnh phúc về bản thân mình thì lúc đó hành trình buông bỏ mới có cơ hội khởi xướng.

Tôi buông bỏ những gì?

Như đã nói ở trên. Buông bỏ không phải là từ bỏ, là mặc kệ, là thoát ly mà là không lưu giữ, tích trữ cảm giác tiêu cực trong lòng. Quan trọng nhất, trên hết thảy, buông bỏ để giải thoát cho chính mình trước tiên.

Mỗi người mỗi khác, dưới đây từ trải nghiệm cá nhân, tôi xin chia sẻ những điều tôi buông bỏ. Có điều tôi đã làm được, có điều chưa, nhưng tôi vẫn đang rèn luyện và thực tập hàng ngày.

Tôi buông bỏ nhu cầu tranh luận đúng sai

Tôi sinh ra đã có thiên hướng của tuýp người phân tích, tranh luận. Điều này giúp tôi lớn lên có góc nhìn đa chiều về cuộc sống, ít a dua, hùa theo đám đông mà luôn tự phân tích và có góc nhìn riêng. Tuy nhiên chính thiên hướng này cũng nhiều lần lôi tôi vào các cuộc tranh luận nảy lửa với chính người thân, người yêu, bạn bè hay thậm chí người dưng trên internet.

Cuộc tranh luận diễn ra, lợi đâu chưa thấy trước mắt, chỉ thấy… MỆT. Vấn đề ít khi được giải quyết tận gốc. Nếu phần đúng thuộc về mình thì tôi cũng chẳng có lợi lộc gì, nhiều khi người khác ghét, mình cũng tốn thời gian, năng lượng.

Tôi giờ khôn hơn chút. Thấy ở đâu có tranh luận thì tôi thường… NÉ… càng xa càng tốt để tránh phải phân bua đúng sai. Mỗi người mỗi cách nghĩ, mỗi lăng kính nhìn đời. Điều quan trọng là tôn trọng sự khác biệt và gìn giữ hoà khí.

Ngoại trừ tôi tham gia một cuộc thi hùng biện có giải thưởng lớn. Còn lại thì tôi buông bỏ nhu cầu tranh luận đúng sai. Tôi không có nhu cầu “được đúng”. Ai thấy tôi sai thì cũng được. Không sao cả. Thế giới vẫn an bình.

Tôi buông bỏ nhu cầu được đẹp, chấp nhận vẻ đẹp cá nhân

Buông bỏ nhu cầu được đẹp có khó không? Xin thưa rằng khó vì nhu cầu được người khác thấy đẹp, được công nhận đẹp là nhu cầu ẩn trong bất cứ ai.

Thoạt đầu nghe có vẻ như việc từ bỏ nhu cầu được đẹp trái ngược với mong muốn được thể hiện bản thân. Nhưng không, buông bỏ nhu cầu được đẹp có nghĩa là không ăn vận, phấn son để làm hài lòng hay gây ấn tượng với người khác mà trái lại chọn giữ những gì phù hợp với bản thân mình.

Khi hướng sự chú ý từ lời khen chê về hình thức của người ngoài vào bên trong mình thì ta nhận biết được vẻ đẹp cá nhân mình nằm ở đâu và lựa chọn trang phục, cách thể hiện phù hợp.

Phụ nữ thường được văn thơ gắn liền với cái đẹp. Báo chí truyền thông vô tình hay hữu ý cũng gắn liền vẻ đẹp với tiêu chuẩn của cái thước đo, về những tỉ lệ, về vài khuôn mẫu. Những vẻ đẹp này thì thường phong trào, xu hướng, ngắn hạn. Chỉ có vẻ đẹp cá nhân thì theo ta mãi. Vậy nên việc gì phải quan tâm đến các tiêu chuẩn bên ngoài?

Phụ nữ gắn liền giá trị bản thân với ngoại hình bên ngoài rốt cuộc là những người phụ nữ đáng thương. Nay kiểu này, mai mốt kia, thế này mới đẹp, thế kia thì xấu, phải giảm thêm 2 kí lô nữa mới chuẩn, da phải bóng mới đẹp, mắt thì phải không có nếp nhăn… Như thế nào nữa thì mới đủ? Kiểu phụ nữ bám víu vào hình thức này kì thực rất khổ. Khi có tuổi tác rồi nhìn vào mình trong gương vẫn không chấp nhận ngoại hình của mình, vẫn muốn thay đổi. Tôi không muốn mình phải khổ sở như vậy, nên tôi từ bỏ nhu cầu phải đẹp.

Mỗi người sinh ra qua tuổi trưởng thành chỉ có một chiều cao, một vóc dáng. Quy luật tự nhiên khi tuổi càng cao thì da sẽ lão hoá, mắt sẽ thêm nếp chân chim, cơ sẽ chảy xệ. Mọi thứ sẽ diễn ra tự nhiên như thế, như mặt trời mọc rồi lặn, như xuân đến rồi đi nhường chỗ cho mùa đông, tôi từ bỏ nhu cầu được đẹp và không chống lại lẽ tự nhiên. Nếu tôi có thêm nếp nhăn, nó là điều tự nhiên như thế. Nếu qua tuổi trung niên, cơ thể tôi có thêm ốm đau, nó là điều tự nhiên như thế. Tôi quy thuận, chấp nhận như đó là lẽ của tự nhiên.

Tôi buông bỏ nhu cầu sở hữu nhiều vật chất, bắt đầu bằng tủ quần áo tư trang của mình

Khi thực tập lối sống đơn giản, tôi ý thức được rằng càng sở hữu nhiều thì cuộc sống càng nặng nề nên đơn giản hoá mọi thứ. Về mặt tự nhiên, phụ nữ có nhu cầu đẹp hơn đàn ông. Tôi không chắc có phải không, nhưng với tôi tủ quần áo cầu kì, lộn xộn, nhiều đồ đạc tư trang sẽ làm tâm lí lộn rộn, nặng nề dẫn đến việc ra quyết định chậm chạc và phi lý trí hơn.

Nếu như bạn nhận thấy rằng mình có quá nhiều quần áo tư trang không sử dụng hoặc ít sử dụng thì hãy thử bỏ đi, mang tặng đến người cần chúng hơn bạn nhé. Tôi đảm bảo rằng chỉ giữ lại những gì cần thiết sẽ giúp đầu óc nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn.

Giảm thiểu được các quyết định không quan trọng như hôm nay mặc đồ gì, phải phối đồ như thế nào cho tôi nhiều tự do hơn, dành nhiều thời gian hơn công việc cũng như sở thích cá nhân.

Tôi buông bỏ nhu cầu được yêu thích, chấp nhận bị ghét như lẽ tự nhiên

Cuộc sống thì muôn hình vạn trạng. Có trắng thì có đen. Có thương thì có ghét. Người bám víu vào sự thương ghét của người khác mà sống thì tâm cũng nặng nề, nhiều khổ đau, tự tạo áp lực cho mình khi làm cố thực hiện điều không thể.

Tôi buông bỏ nhu cầu được yêu thích từ người khác, chọn sống theo lẽ sống của mình và tập trung làm điều đúng đắng nên làm. Có người ghét có người thương là lẽ tự nhiên. Không cảm thấy xấu hổ, đau khổ, tâm dao động vì có người ghét mình.

Con cái của cùng cha mẹ, trong từng thời điểm khác nhau, người cha người mẹ sẽ có sự ưu ái người này người kia hơn. Đó là lẽ tự nhiên. Trong xã hội có người tính cách này có người tính cách kia. Kể cả trong cùng một con người, đôi khi cũng có nét tính cách hay thói quen xấu của chính mình mình còn thấy chưa tốt và muốn thay đổi, huống hồ chi giữa các cá nhân với nhau.

Với người thân trong gia đình và những mối thân tình, tôi chọn cho đi không tính toán và hạn chế các kì vọng được đáp trả. Điều này thật ra khó, nhưng tôi vẫn đang rèn luyện.

Tôi buông bỏ lời nguỵ biện và đổ lỗi hoàn cảnh để nhận trách nhiệm về mình

Khi có một việc xảy ra không như ý, kẻ yếu thì lập tức đổ lỗi cho người khác hay ngoại cảnh tác động.

Đến trễ là do kẹt xe, do trời mưa, chứ thật ra là do mình thiếu sắp xếp thời gian và dự báo trước tình huống. Trong tình yêu đối phương phản bội là do họ thiếu chung thuỷ, do người thứ ba lả lơi chèo kéo. Thật ra là lỗi là do mình chọn hoặc chọn nhầm người, hoặc thiếu nuôi dưỡng vun trồng tình cảm, hoặc là lỗi ở cả hai. Công việc không đúng tiến độ, không có kết quả thì là do đồng nghiệp thiếu hợp tác, do này do nọ. Không có một sự việc gì không như ý mà là lỗi của mình, trách nhiệm của mình cả. Tất cả đều là lỗi của người khác, lỗi của trời nắng mưa.

Tôi chọn buông bỏ nói lời nguỵ biên và nhận hết trách nhiệm về mình để biến điều mình muốn thành hiện thực. Nhận trách nhiệm về mình hoàn toàn và tuyệt đối.

Tôi buông bỏ nhu cầu được tôn trọng, chỉ tập trung làm tốt công việc của mình

Cũng giống như nhu cầu được công nhận đẹp thì nhu cầu được tôn trọng là một thứ rất cơ bản, rất người. Nhưng nếu bám víu vào sự công nhận từ bên ngoài mà thật tâm chính mình không tôn trọng mình thì là bi kịch. Ngược lại, khi chính mình làm tốt công việc của mình, tự bản thân cảm thấy có giá trị, tôn trọng chính mình trước tiên thì tự khắc người khác sẽ tôn trọng mình.

Trong quá trình thực tập buông bỏ nhu cầu được tôn trọng tôi cũng ý thức được một điều rằng: càng thân thiết bao nhiêu thì người khác càng nên hiểu bản tính và những giới hạn của mình. Gia đình là nơi gần gũi nhất và có ảnh hưởng nhất đến hạnh phúc cá nhân. Thế nên nếu người ngoài khi họ buông lời xúc phạm và nói điều không hay, ta dễ dàng xem nhẹ và lờ đi. Nhưng nếu người thân trong gia đình làm điều đó thì tôi sẽ lên tiếng ngay. Họ có quyền được biết những giới hạn của tôi để giữ gìn mỗi quan hệ. Lên tiếng nói lên giới hạn của mình không phải là sự ích kỉ cá nhân. Mà đó là cho người khác cơ hội để hiểu thêm về mình và trân trọng, gìn giữ mối quan hệ về lâu dài.

Tôi buông bỏ nhu cầu kiểm soát mọi thứ, chấp nhận sự việc như nó vốn có

Luôn vận động, biến chuyển và đổi thay chính là quy luật tự nhiên của vũ trụ, quy luật của cuộc đời. Nếu đã tiên liệu mọi thứ, cố gắng hết sức nhưng việc vẫn không thành thì tôi chấp nhận.

Buông bỏ nhu cầu kiểm soát mọi thứ, từ sự việc cho đến người khác, kết quả với tôi như thế nào bạn biết không? Tuyệt vời, tôi cảm thấy thật giải thoát, nhẹ nhàng.

Tôi bây giờ còn dại, tôi của ngày xưa còn dại khờ hơn khi muốn biến nắng thành mưa, biến biển thành núi, muốn kiểm soát mọi sự trên đời và muốn thay luôn ghế Tổng thống Mỹ. Dại ơi là dại.

Một đứa trẻ con thì phải tinh nghịch, ta hãy để cho chúng tinh nghịch, đừng cố kiểm soát trẻ con và bắt chúng phải ngồi im. Lúc mới yêu thì luôn rộn ràng, ta hãy để cho nó rộn ràng và tận hưởng sự tươi mới của tình yêu chứ đừng bắt tình cảm phải sâu sắc ngay. Người mới gặp người thì lẽ tự nhiên là chưa có sự kết nối, đừng bắt họ phải yêu thích ta rồi nếu họ lơ là thì ta lấy đó làm điều chấp nhặt rồi đâm ra thù ghét định kiến họ.

Cố gắng kiểm soát bản thân, làm tốt nhất việc của mình. Sống thuận theo lẽ tự nhiên, theo quy luật của đất trời. Buông bỏ mọi thù hận, cố chấp, sân si, là cách tự giải thoát và mang lại bình an cho chính mình.

“Tâm bình, thế giới bình.
Tâm an, vạn sự an.”

Tôi chúc bạn ngày hạnh phúc và bình an!
Natalie Vo

 

Nơi đây tôi viết, chia sẻ trong mỗi lần "cầm mảnh gương soi vào tâm khảm... để thấy mình đẹp xấu, đục hay trong..."

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top