Tiền nhiều để làm gì? Giá trị thực sự của tiền bạc?

Tiền nhiều để làm gì? Giá trị thực sự của tiền bạc?

Natalie Vo nghĩ là cô ấy sống được nếu không có tiền. Thật sự là như vậy! Kịch bản sẽ là:

Cô ấy kiếm một mảnh đất hoang, hoặc đi lên núi tự chặt tre xây một cái nhà nhỏ. Cô ấy bắt đầu canh tác trồng trọt các loại rau dại, trái cây trên núi. Cô ấy nuôi thêm một đàn gà. Sống đời ẩn sĩ thoát tục. Vì cô ấy tự cung tự cấp nên không cần phải trao đổi hàng hoá với ai. Thế mạnh của Natalie Vo là nuôi gà chạy bộ, cơ bắp gà cuồn cuộn ăn thịt rất ngon.

Đang yên đang lành thì có thằng ất ơ cũng chán đời lên núi ẩn cư. Nó chặt tre xây cái nhà ngay bên cạnh rồi bắt đầu nuôi heo tộc. Natalie Vo hàng ngày ăn gà chạy bộ cũng chán nên dòm thịt heo tộc thèm thuồng. Thế là hai đứa quyết định trao đổi đồ ăn với nhau, lấy lá mít làm vật trao đổi ngang giá.

Quy định một lá mít quy được một con gà, 10 lá mít thì bằng một con heo tộc. Hai đứa từ giờ vừa được ăn gà vừa được ăn heo, dùng lá mít để đổi heo với gà được mượt mà, rõ ràng hơn. Lá mít là tiền thân của tiền.

Tiền là gì?

Tiền là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận
– Wikipedia

Vậy thì tiền là giấy, tiền như lá mít vậy thôi mà.

Nó là vật ngang giá. Vì đưa ra đưa vô lúc nào cũng được.

Tiền không có giá trị, nó lưu giữ giá trị.

Tiền có tính thanh khoản cao, cho ra lẹ làng, cho vô cũng dễ.

Nghĩa là: Natalie Vo giờ muốn đổi con gà lấy heo tộc thì không biết đổi sao. Với cả không phải ai cũng muốn đổi heo tộc lấy gà. Có người có heo tộc, nhưng người đó lại thích ăn thịt bò mới đau. Vậy thì cứ quy ra tiền, quy ra lá mít, quy ra giấy mà đổi. Vậy ha! Natalie Vo bán con gà lấy tiền, rồi dùng tiền đó mua heo tộc. Anh heo tộc thì nhận được tiền, lấy tiền đó đi mua bò.

Cảm ơn lá mít, cảm ơn giấy, cảm ơn tiền. Các em đã giúp Natalie Vo đổi gà, heo, bò một cách mượt mà.

Khởi điểm của tiền là công cụ giúp giải quyết vấn đề lưu thông, quy đổi hàng hoá. Đã là công cụ thì là hữu ích.

Nhưng liên quan liên hệ mật thiết với trải nghiệm.

Natalie Vo dùng tiền mua thịt heo tộc, cô ấy đang dùng tiền mua trải nghiệm của sự lạ miệng, của miếng thịt với phần da dày, dòn. Một anh chàng mua chiếc xe hơi thể thao, anh ấy dùng tiền để trải nghiệm cảm giác sung sướng khi cầm chiếc vô lăng, thoả mãn sự đam mê tốc độ. Bạn phụ trách công việc Marketing cho một công ty, bạn bán trải nghiệm trong công việc của mình để đổi lấy tiền mua trải nghiệm bạn thích. Đó có thể là những chiếc vé máy bay cho gia đình. Thực chất bạn đang mua trải nghiệm gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Cái chúng ta mua không phải là chiếc áo mới, chiếc xe mới hay những chiếc vé máy bay. Cái chúng ta mua đều là trải nghiệm.

Thật tuyệt vời khi có trải nghiệm công việc vui vẻ, hạnh phúc. Bạn thích làm công việc đó, và nó mang lại cho bạn tiền bạc. Tuy nhiên có những người kiếm tiền bằng cách đánh đổi niềm vui, danh dự chỉ để kiếm tiền.

Theo Mark Mansion, con người hay mắc kẹt giữa các chu kì sau:

Chu kỳ của sự căng thẳng:

Một số người kiếm tiền với rất nhiều căng thẳng. Công việc áp lực cao, kèm nhiều điều tệ khác ví dụ như bị chỉ trích, đe doạ, hay thậm chí hi sinh danh dự của mình. Họ kiếm được tiền, nhưng sau đó dành tiền mua lại trải nghiệm tích cực, bù vào trải nghiệm tiêu cực, căng thẳng. Những người này liên tục đi từ chu kì căng thẳng, kiếm tiền, giảm căng thẳng. Vòng lặp là bất tận.

Chu kỳ của cái tôi

Một số người làm việc trong môi trường thiếu danh dự. Họ cảm thấy vô danh, bị mờ nhạt, thậm chí vô dụng. Họ kiếm tiền, sau đó dùng tiền để lấp vào sự bất an bằng việc mua các biểu tượng hời hợt của cái tôi. Ví dụ như đắp lên người rất nhiều vàng bạc, đồ xa xỉ. Hay mua cô gái mại dâm trong một ngày đi bên cạnh để thể hiện. Chu kỳ cái tôi liên tục lặp đi lặp lại.

Chu kỳ đau khổ

Một số thì kiếm sống bằng cách làm tổn thương bản thân. Sự tổn thương này có thể là thể chất (đấu vật, ngậm xăng phun lửa) hoặc có thể về tinh thần (gái mại dâm). Tuýp người này sau đó dùng tiền để xoa dịu nỗi đau, thường dính vào rượu, ma tuý và thuốc men.

Giá trị thực sự của tiền nằm ở đâu?

Như đã phân tích ở trên, tiền bản thân không có giá trị, nhưng tiền lưu giữ giá trị và có thể dùng để trao đổi trải nghiệm.

Tiền mua được trải nghiệm tích cực

Vâng, không ai chối cãi được. Nhưng con người thực sự giàu có khi sự tiêu tiền không phải để bù đắp lại những mất mát trong quá trình kiếm tiền. Sự giàu có xảy ra khi cách chúng ta kiếm tiền và cách chúng ta tiêu tiền đều liên quan phần lớn đến trải nghiệm tích cực.

Không phải ai cũng may mắn có sự giàu có theo nghĩa tích cực ở trên. Chúng ta giàu có lên theo thời gian. Trong những giai đoạn đầu của việc kiếm tiền, trải nghiệm tiêu cực sẽ nhiều hơn trải nghiệm tích cực. Ý thức được điều đó, ta sẽ có cách ứng xử đúng hơn về tiền bạc và công việc.

Tiền mua được sự tự do lựa chọn

Càng ít tiền, càng ít sự lựa chọn. Càng nhiều tiền thì sự tự do lựa chọn càng lớn. Một người nhiều tiền thì có thể lựa chọn ở biệt thự hay nhà tranh thì tuỳ anh ta. Còn người không có tiền như cô Natalie Vo thì chắc chắn là đi ở nhà tranh và phải tự trồng trọt chăn nuôi, tự canh tác rồi. Vì ở nhà tranh vách lá, tự canh tác, làm quần quật suốt ngày nên cũng không có bạn bè. Cô ấy không có sự lựa chọn trải nghiệm tình bạn.

Cha mẹ có nhiều tiền có thể chọn cho con học trường quốc tế, trường công, hay tự học tại nhà. Khi vợ bạn, chồng bạn, cha mẹ bạn ốm phải phẫu thuật, nếu không có tiền, lựa chọn duy nhất của bạn là…

Tự điền dấu ba chấm ấy, bạn mới thấy tiền có thể là người đầy tớ tốt và là ông chủ tồi như thế nào. Tiền có thể được sử dụng để mua sự tự do lựa chọn. Tiền cũng có thể đẩy bạn vào đường cùng, tước đi hết sự lựa chọn của bạn.

Tôi chúc bạn có nhiều tiền, chúc bạn có nhiều sự tự do lựa chọn!

Theo bạn thì giá trị thật sự của tiền bạc nằm ở đâu?

Natalie Vo

Nơi đây tôi viết, chia sẻ trong mỗi lần "cầm mảnh gương soi vào tâm khảm... để thấy mình đẹp xấu, đục hay trong..."

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top