Ta là những gì chúng ta làm, lặp đi lặp lại hàng ngày. Câu đó không phải tôi nói mà là chân lý, trên mạng thì đầy rẫy người chia sẻ.
Tôi cũng cố gắng tạo cho mình những thói quen tốt về sức khoẻ, công việc cũng như cuộc sống. Một trong những thói quen ấy là gọi điện video cho Mẹ tôi mỗi tuần vài lần trước lúc đi ngủ để tạo thói quen bồi đắp tình cảm gia đình, làm Mẹ tôi vui. Nhân tiện qua các cuộc gọi video tôi hãy hay tìm cách thuyết phục Mẹ vài thứ như gần đây tôi muốn Mẹ vào thành phố cùng tôi.
Lúc trước tôi ghê gớm lắm. Khi thuyết phục Mẹ điều gì, tôi hay dùng lý lẽ, phân tích để nói. Có hiệu quả không? Xin thưa rằng không hiệu quả. Tôi thấy MỆT mà Mẹ tôi cũng không làm. Dù có suy nghĩ, tìm bao lời để nói, giải thích, phân tích vấn đề bao nhiêu thì cũng bó tay. Mẹ đúng là ca khó của con!
Tôi muốn hai việc. Một là làm sao bà ít hối tôi chuyện lập gia đình lại. Hai là thuyết phục bà bán nhà ở quê vào Sài Gòn đoàn tụ cùng con cái. Việc để bà ít hối chuyện cưới xin thì tôi chịu, bà nói mãi rồi mệt sẽ hết nói thôi. Chuyện đoàn tụ cùng con cái thì tôi đã thành công. Dưới đây là “bài” của tôi.
Ngôn ngữ cũ:
“Mẹ ơi phải bán nhà thôi. Lý do: A, B, C, D, E…”
Ngôn ngữ mới:
“Mẹ ơi con xa mẹ 10 năm rồi. Con lăn lóc ngoài đường, ăn cơm tiệm riết bị táo bón, người ta bán cơm ít rau xanh. Ăn riết chắc con bệnh quá… Mẹ vào nấu cơm cho bọn con ăn rồi được gặp Mẹ hàng ngày. Con nhớ Mẹ quá…”
Mẹ tôi đáp lại ngay, không quên mỉm cười một cái:
“Tao vào làm ô sin cho bọn mày…”
Tôi nói:
“Mẹ nghĩ sao mà làm ô sin. Mẹ không nấu thì con nấu, thằng Mon nấu. Mẹ vào đây con đưa tiền Mẹ chỉ đi chơi thôi. Chủ yếu là con muốn gặp Mẹ hàng ngày thôi”
Cuộc hội thoại rất vui vẻ, mẹ tôi thấy tôi nói có lý, sợ hai chị em tôi ăn ngoài riết rồi sinh bệnh. Tôi thuyết phục thành công mà không cần quá cố gắng dùng lý lẽ, phân tích.
Sự khác biệt ở trên, bạn biết là gì không? Cách cũ: tôi nói chuyện với Mẹ theo ngôn ngữ của tôi, lăng kính của tôi. Cách mới: tôi nói chuyện với Mẹ theo ngôn ngữ của Mẹ, lăng kính của Mẹ, thuyết phục Mẹ tôi rằng “điều đó là tốt nhất cho Mẹ”. Tôi ra quyết định dựa trên phân tích, đánh giá các phương án rồi chọn phương án tốt nhất. Mẹ tôi quyết định dựa trên tình cảm, sự lo lắng cho con. “Điểm mù” của Mẹ tôi là tình yêu và lo lắng cho con cái. Rơi vào điểm mù rồi thì lý trí mất hết, người ta dễ ra hành động nhất.
Tôi nhớ từ tôi nghe về tình cảm cha mẹ dành cho con. Người ta nói “nước mắt chảy xuôi”. Các bậc cha mẹ ở Việt Nam cố gắng làm lụng vất vả để đời con được hưởng sung sướng. Cố gắng để lại cho con ít nhất cũng mảnh đất, cái nhà, có tiền cho con cái cưới hỏi, yên bề gia thất.
Tình cảm của cha mẹ bản chất là cho đi không đòi hỏi, như “nước mắt chảy xuôi” chứ có bao giờ chảy ngược. Đến tuổi xế chiều, tình cảm vẫn cứ cho đi, hết lo cho con cái rồi đến lo cho cháu, tay ẵm tay bồng tay bế, chăm cháu lớn khôn từng ngày.
Nếu tôi hiểu rằng “nước mắt chảy xuôi”, hiểu hơn về tâm lý người lớn tuổi thì tôi đã nói chuyện với Mẹ theo cách có hiệu quả nhất: Nói theo ngôn ngữ của Mẹ.
Bản thân mình thì mình cải thiện chứ đừng “cải thiện” mẹ cha. Hãy hiểu để biết cách yêu thương và chuyện trò đúng cách với người lớn tuổi. Lý lẽ là dùng cho người ngoài, dùng trong công việc. Đừng mang nó vào để trò chuyện với tình thân, với gia đình, với mẹ cha.
Lý lẽ sắc bén, phân tích kĩ càng chẳng thấm vào đâu so với bao nhiêu giọt nước mắt chảy xuôi. Với người lớn tuổi, hãy đủ hiểu và yêu thương để nói chuyện trò theo ngôn ngữ của Cha Mẹ.
ĐỪNG GIẬN MẸ
“Em ơi! đừng giận mẹ làm gì,
Bởi người già tính tình như con trẻ.
Bằng tuổi mẹ rồi chúng minh cũng thế.
Cứ đổi thay nóng lạnh bất thường!Biết bao người không còn mẹ để mà thương.
Miếng trầu quả cau thắp hương rồi để héo,
Mới nuôi anh khôn lớn đến bây giờ.Tuổi già đi qua là sự sống hững hờ,
Nên đổi tính ấy là điều dễ hiểu.
Hãy vui vẻ đừng bao giờ khó chịu,
Khi mẹ ta còn hiển hiện trên đời.Để một mai khi khuất bóng mẹ rồi.
Mỗi chúng ta không có gì phải giận.
Vì ta cũng là mẹ trong những tháng năm sau”
-st