Hãy thử ghi hình lại và đếm số lần ta nhấc chiếc điện thoại trong một ngày.
Theo một nghiên cứu,
Trung bình cứ 12 phút sau khi thức dậy thì một người sẽ cầm điện thoại.
Khi chiếc điện thoại thông minh dần trở thành một phần không thể thiếu với nhiều tiện ích, thì con người càng bị gắn chặt với chiếc điện thoại hơn.
Không thể phủ nhận những tiện ích công nghệ mang lại. Nếu như trước kia với trí nhớ tồi tệ của cô
Natalie Vo về đường xá thì việc thử nghiệm một con đường mới rồi vòng vèo lạc đường tốn gấp đôi thời gian di chuyển thì với Google Maps, mọi thứ thật dễ thở. Tôi cũng có thể tự học miễn phí được rất nhiều từ những nguồn học phong phú và bổ ích trên mạng.
Nhờ chiếc smartphone mà tôi thậm chí còn ngồi hàng giờ nghe Richard Brandson hay Chase Javis phỏng vấn hàng loạt những người thành công, những đoạn hội thoại của những người mà gần như tôi chưa có cơ hội nghe họ chia sẻ. Với internet và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thì điều không thể biến thành điều có thể.
Mặt tối của chiếc điện thoại
Nếu như công nghệ làm cho cuộc sống dễ dàng và phong phú hơn thì mặt trái của nó cũng nguy hiểm nếu người sử dụng không ý thức và điều chỉnh hành vi của mình.
Một lần nhấc điện thoại lên, tôi mất ít nhất 15 để quay lại với công việc
Facebook, Instagram, Twitter, Youtube và hàng loạt những trang tin khác. Các kĩ sư hàng đầu được thuê để thiết kế trải nghiệm sao cho người dùng lưu lại lâu nhất trên ứng dụng của họ. Những nút bấm được đặt đúng vị trí, những gam màu được nghiên cứu tỉ mĩ, những thông báo chào mời hấp dẫn, …
Tất cả đều được nghiên cứu và áp dụng để tạo trải nghiệm người dùng tốt nhất, hay nói dễ hiểu làm làm người dùng “sướng” nhất, “nghiện nhất”.
Không cần chiếc máy ghi hình để ghi lại, Iphone có chế độ đo lường thời gian “screen time” (thời gian dùng điện thoại) để người dùng kiểm soát được hành vi của mình trước những cáo buộc về việc gây hại cho sức khoẻ tinh thần người dùng.
Gián đoạn là kẻ thù của sự tập trung.
Đã rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc liên tục bị gián đoạn còn ảnh hưởng đến não bộ và làm giảm sức khoẻ tinh thần, gây xói mòn khả năng tập trung.
Thời đại của chiếc smartphone và mạng xã hội là thời đại của sự xao nhãng. Ta liên tục “quét” thông tin, mọi lúc, mọi nơi. Ta liên tục “quét” hết mọi thứ, não luôn bận rộn để kiếm tìm thứ gì đó, biết thứ gì đó, nhưng không chú tâm bất cứ điều gì cả.
Sự xao nhãng lãng là kẻ cắp thời gian ma mãnh
Hãy làm phép tính đơn giản sau nếu ta sử dụng điện thoại 8 giờ một ngày.
Cứ mỗi 30 phút ta nhấc điện thoại một lần
Ta có 16 lần nhấc điện thoại trong 8 giờ
Mỗi lần nhấc điện thoại ta lưu lại 5 phút trên mạng
Và mỗi lần nhấc điện thoại ta bị xao nhãng, và phải mất 15 phút mới quay trở lại công việc đang làm
Vậy thì một ngày ta bị xao nhãng, thiếu tập trung hết: (5+15) x 8 = 160 phút = 2 tiếng rưỡi.
Với 2 tiếng rưỡi đó, sẽ như thế nào nếu ta dùng nó vào việc chú tâm làm việc hiệu quả, học một kĩ năng mới hay đơn giản là dành thời gian chất lượng đó cho gia đình? Hãy nhớ là ta có đến 2 tiếng rưỡi. Rất nhiều người viện lý do quá bận rộn để dành nửa tiếng chia sẻ với người vợ, người chồng của mình. Rất nhiều người viện lý do bận rộn để tập thể dục, dù chỉ là nửa tiếng squats hay hít đất.
Làm thế nào để tập trung?
Natalie Vo hướng dẫn bạn cách tôi rèn luyện tránh xa sự xao nhãng để làm việc tập trung như thế nào nhé! Mọi thứ phải bắt đầu bằng tư duy.
Nhận thức rõ ràng về mặt trái của công nghệ
Công nghệ làm cho cuộc sống dễ dàng và thoải mái hơn. Mặt tối là những cái màn hình sáng, những mẫu tin tức, việc thông tin tràn ngập ẩn chứa nhiều mối nguy hại cho sức khoẻ tinh thần, làm suy giảm khả năng tập trung, xử lý vấn đề của con người.
Việc thiếu hiểu biết và ý thức được tác hại của việc liên tục bị xao nhãng làm lãng phí nguồn lực quý báu của con người: đó là thời gian không thể lấy lại được; đó là sự chú tâm giải quyết vấn đề và khả năng nhìn bức tranh toàn cảnh, thông suốt vấn đề của con người.
Rõ ràng về mục đích sử dụng công nghệ
Kế đến là biết rằng ta đang dùng công nghệ để phục vụ cho mục đích gì trong cuộc sống cá nhân và công việc. Hãy thật rõ ràng ở khoản này và quan sát hành vi của chính mình.
Với Natalie Vo thì công nghệ là công cụ tuyệt vời cho công việc kinh doanh. Mạng xã hội tôi sử dụng cho ba mục đích.
Mục đích thứ nhất là để giữ liên lạc với những người bạn phương xa. Mục đích thứ hai là để chia sẻ những thông tin có giá trị, hữu ích, kết nối với những người cùng tần số. Mục đích thứ ba là để quan sát cách làm truyền thông, marketing của một vài nhãn hàng tôi quan tâm.
Dù là mục đích gì đi nữa thì hãy chỉ chú tâm vào mục đích đó. Nếu nhận thấy việc sử dụng công nghệ đang trượt ra khỏi mục đích ban đầu thì cần cân nhắc và truy vấn bản thân. Có thể là bản thân đã nghiện công nghệ và mạng xã hội.
Hiểu về “tâm con khỉ”
Tâm con khỉ luôn bồn chồn, bất an, lo lắng. Tâm trí con người cũng như vậy. Thói quen nhất điện thoại hay chuyển từ công việc này sang công việc khác, quét từ trang này sang trang khác bắt nguồn từ tâm con khỉ bất an cần được xao nhãng để quên đi buồn phiền. Hiểu vì sao ta lại nghiện tin tức và điện thoại và đừng phán xét bản thân.
Tâm con khỉ càng yếu đuối, càng bất định thì điều kiện cho sự xao nhãng càng lớn. Có sự hiểu biết về tâm con khỉ sẽ là bước đầu tiên để
thuần hoá con khỉ trong tâm.
Dùng các công cụ hỗ trợ sự tập trung
Có rất nhiều apps hỗ trợ việc tập trung. Có thể đến như Pomodoro, Forest, Balanced, Horus Focus hay Noisli. Cá nhân tôi đã sử dụng qua phương pháp Pomodoro thấy hiệu quả. Việc trồng một chiếc cây xanh với Forest cũng vui vẻ, khá thú vị và hiệu quả.
Dù dùng công cụ gì thì cũng cần kiên nhẫn và luyện tập. Rất dễ để dẫn đến việc khi thử nghiệm một apps thấy thích thú lại đi tìm apps khác dùng thử thì lợi thành hại. Từ việc chỉ tìm công cụ để tránh xao nhãng, giúp tập trung thì nhiều khi lại bị xao nhãng giữa thử nghiệm, lựa chọn công cụ để thoả mãn trí tò mò.
Chậm lại để chú tâm
Dù là thể thao hay bất kì phương pháp luyện tập nào, nguyên lý cơ bản đó đều là sự chậm lại và tập trung vào hơi thở để làm dịu tâm trí.
Mỗi khi làm việc gì, không cố gắng multi-task. Luyện tập sự chậm lại này có hiệu quả đến đáng ngờ. Mỗi lần chỉ làm một việc thôi. Khi nhận thấy có sự xao nhãng, ngưng lại, làm chậm lại và cố gắng hoàn thành công việc đang dang dở hơn là chuyển sang một nhiệm vụ mới.
Thời đại của công nghệ kĩ thuật số, việc nhận thức được mặt trái và rèn luyện sự tập trung đòi hỏi người dùng phải có đủ hiểu biết, có mong muốn cải thiện cuộc sống và lựa chọn thích hợp những công cụ hỗ trợ.
Tôi chúc bạn hôm nay có được sự tập trung, toàn tâm toàn ý với công việc để kiến tạo cuộc sống như mong muốn.